Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 xoay chuyển lĩnh vực truyền thông, marketing thế nào?
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với sự phát triển của internet, của vạn vật kết nối, của “thế giới phẳng” đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, trong đó có Truyền thông – Marketing.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là cuộc cách mạng mang tính toàn cầu, không ngừng phục vụ cuộc sống của con người ngày càng thuận tiện hơn, đáp ứng nhu cầu kết nối về mặt xã hội, giúp con người có thể điều khiển và thiết kế cuộc sống theo mong muốn.
Với tốc độ phát triển như vũ bão, công nghệ đang và sẽ tạo ảnh hưởng to lớn lên tất cả các ngành và lĩnh vực đời sống. Ngành Truyền thông – Marketing càng chứng kiến sự thay đổi rõ rệt theo hướng chuyển đổi số, khai thác tối đa nền tảng công nghệ thông tin, lấy con người trong kỷ nguyên kỹ thuật số làm trung tâm cho mọi hoạt động, tập trung vào sự kết nối, chia sẻ.
Các nhà tiếp thị đang sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ truyền thông số nhằm nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng, các sản phẩm và dịch vụ này đồng thời cũng được phân phối thông qua các mạng truyền thông số kỹ thuật cao. Tất cả các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và dữ liệu đang ngày một đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc các loại hình marketing offline sẽ bị hạn chế, chuyển sang online hoặc quảng cáo trên TV. Các loại hình như bảng hiệu (OOH), sự kiện, roadshow,… là các hoạt động sẽ phải điều chỉnh hoặc cắt giảm và các kênh digital sẽ được chú trọng hơn.
Cùng với đó, tác động của cuộc cách mạng 4.0 mang lại chính là khách hàng hiện nay quyền lực hơn. Với sự trợ lực từ công nghệ, khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn, nhiều yếu tố chi phối quyết định đòi hỏi người làm truyền thông marketing cũng cần có những thay đổi trong cách tiếp cận.
Doanh nghiệp cần lắng nghe khách hàng nhiều hơn, theo dõi hành trình của khách hàng và tìm hiểu mối quan tâm hiện tại của họ qua các công cụ social listening, từ đó tìm phương pháp để mang câu chuyện thương hiệu “chạm” đến khách hàng với thông điệp phù hợp nhất.
Điều này cũng lý giải sự “nở rộ” của các loại hình truyền thông, giải trí đa phương tiện, mua sắm… trên các nền tảng xã hội. Nếu như 10 năm qua, các nền tảng xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc biến thương mại điện tử thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD ở Mỹ, Trung Quốc thì nay đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Người dùng mong muốn có thể tiếp cận các thương hiệu và sản phẩm thông qua các nền tảng xã hội mà không cần phải đi lại hay di chuyển mất thời gian. Điều này cũng khiến doanh nghiệp cần có sự thay đổi nhanh chóng, kịp thời để phù hợp với xu hướng đó.
Tuy tốc độ thay đổi từng ngày nhưng cách mạng 4.0 vẫn được xem như một phép thử tính bền vững cho các thương hiệu. Các thương hiệu sẽ làm tốt để khai thác nền tảng công nghệ để tiếp thị và quảng cáo, nuôi dưỡng niềm tin và xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Điều giúp doanh nghiệp có thể khẳng định giá trị trong cuộc “chạy đua” công nghệ này chính là giá trị cốt lõi trong kinh doanh – các thương hiệu phải thể hiện được tính nhân văn và tăng tính minh bạch, từ đó tạo dựng được niềm tin với khách hàng.