Các thương hiệu quốc tế đang muốn mở rộng sự hiện diện của họ tại Việt Nam nhờ trợ lực từ công nghệ
Kinh tế số – Truyền thông số đang trở thành hai từ chìa khóa để tìm hiểu về bối cảnh truyền thông của Việt Nam hiện nay. Với nền kinh tế có độ mở cao vào loại hàng đầu thế giới, Việt Nam đang hội nhập với nền kinh tế toàn cầu một cách sâu sắc và toàn diện khi có sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0).
Các thương hiệu quốc tế đang muốn mở rộng sự hiện diện của họ tại Việt Nam cũng sẽ phải cùng “nhịp bước” đó, không chỉ bằng chiều rộng mà còn phải bằng chiều sâu thì mới định vị và phát triển thương hiệu tại một thị trường sôi động và không kém phần khắc nghiệt như Việt Nam.
Tác động đầu tiên dễ thấy nhất là các thương hiệu quốc tế đã đầu tư nhiều cho công nghệ để tạo dựng thương hiệu. Thương hiệu là một yếu tố quan trọng nhằm quảng bá hình ảnh của tổ chức, đơn vị đến các đối tượng mục tiêu để đánh dấu sự hiện diện của tập đoàn tại nơi họ đến. Tại Việt Nam, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các doanh nghiệp đã tận dụng tối đa sự kết hợp của Truyền thông + Công nghệ để tạo sức bật trên thị trường.
Công nghệ giúp họ “đóng đinh” sản phẩm của mình trong đầu người tiêu dùng vừa nâng cao uy tín và vị thế của mình trên thương trường. Sự hiện diện của Starbucks tại Việt Nam là một dẫn chứng như thế. Ở một đất nước mà cà phê truyền thống trở thành “quốc hồn quốc túy”, thời điểm Starbucks tới Việt Nam, người ta biết tới thương hiệu cà phê này nhiều trên trên mạng xã hội.
Phổ biến nhất là Facebook, Instagram, biến hoạt động uống cà phê thành một sở thích mà khách hàng dễ dàng chia sẻ với bạn bè và gia đình. Từ những lượt share, comment trên mạng xã hội, nhất là giới trẻ thành thị, Starbuck tăng tỷ lệ tương tác cũng như độ phủ của sản phẩm đến người dùng một cách hiệu quả.
Trước một sân chơi sôi động và giàu tiềm năng như thị trường Việt Nam, doanh nghiệp nào cũng buộc phải giữ được bản sắc. Đó như một thứ “Căn cước” cho doanh nghiệp để khách hàng, đối tác tin và nhận biết sản phẩm của mình. Doanh nghiệp càng có sức cạnh tranh lớn càng tạo được sự khác biệt trên thị trường, hoặc mang dấu ấn của người tiên phong.
Khi đó, bài toán của doanh nghiệp là cần tìm ra một điểm khác biệt mạnh nhất, độc đảo nhất, khác biệt nhất so với đối thủ. Đó là lý do vì sao nhiều doanh nghiệp hiện nay chọn những hướng tiên phong khác biệt để tạo dấu ấn trên thị trường. Honda – một thương hiệu nổi tiếng đến từ Nhật Bản đã định danh bằng chính bản sắc riêng có của mình.
Trong nhiều năm qua, slogan “Tôi yêu Việt Nam” của Honda đã nhận được sự yêu mến của cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam khi đã gắn niềm tự hào của người Việt với một sản phẩm Nhật Bản. Honda cũng là doanh nghiệp tạo được các kênh truyền thông online hiệu quả như lan tỏa các thông điệp trên mạng xã hội, đầu tư các mv ca nhạc công phu, có thể trở thành một phần cuộc sống của người Việt như chính sản phẩm của họ.
Khi xây dựng và phát triển thương hiệu trở vấn đề sống còn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, các tập đoàn cũng sẽ chọn những ngành, lĩnh vực đột phá để phát triển căn cứ vào thế mạnh của Tập đoàn và “nhập gia tùy tục” tại Việt Nam.
Với một quốc gia đã khuyến khích việc phát triển kinh tế số thì những lĩnh vực nền tảng của kinh tế số như hạ tầng số, tài nguyên số, dịch vụ số, thị trường số; những lĩnh vực quan trọng, cốt lõi cần phải nắm và làm chủ về công nghệ, kỹ thuật như lĩnh vực dữ liệu số, vật liệu thông minh, robot thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, phương tiện thông minh, năng lượng thông minh… luôn là lựa chọn hàng đầu.
Nhiều tập đoàn chọn hướng đầu tư đa ngành để bổ trợ cho nhau, mang tới một hệ sinh thái hoàn chỉnh để có thể đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, vừa khai thác hết giá trị của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay. Đó là lý do những “ông lớn” công nghệ như Samsung Electronics, Apple, Foxconn đã tăng trưởng mạnh đầu tư vào Việt Nam, xây dựng những Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) để việc nghiên cứu và ứng dụng đạt hiệu quả.