Quyền năng của khán giả Việt Nam trên phương tiện truyền thông đại chúng
Sự phát triển như vũ bão của công nghệ cùng với các tiêu chuẩn sống ngày một nâng tầm đã thay đổi thói quen sử dụng phương tiện truyền thông của khán giả Việt Nam trong những năm qua. Trong đó, các phương thức lựa chọn trực tuyến được đề cao.
Từ việc tìm hiểu, khai thác thông tin, lựa chọn kênh truyền thông online qua website, mạng xã hội, app… trở nên phổ biến hơn. Việc duy trì các kênh online này cũng tạo ra một thị trường mang tính tương tác cao, kết nối rộng, thuận tiện trong giao thương,…
Người tiêu dùng tham gia vào các chiến dịch truyền thông, thay vì chỉ đơn thuần tiếp nhận thông điệp. Đây là bước ngoặt truyền thông, mà cốt lõi là sự phát triển của web 2.0 – xu thế hướng tới nội dung cùng sáng tạo. Chính sự thay đổi trong công nghệ truyền thông đã dẫn đến xu hướng dòng chảy thông tin đa chiều.
Nếu trước đây, ngành truyền thông chỉ tạo ra những dòng chảy thông tin một chiều từ tổ chức và các đại lý của họ đến các phương tiện truyền thông, và đến số đông đại chúng thì bây giờ thông tin chảy theo mọi hướng. Sự phát triển của mạng xã hội, blog, podcast… đã thúc đẩy khách hàng tạo ra thông tin. Kết quả là thế giới đang tràn ngập các nội dung truyền thông. Khách hàng vừa có xu hướng lựa chọn thông tin do khách hàng khác tạo ra, vừa tìm kiếm những nội dung được tạo ra một cách chuyên nghiệp.
Năm 2020 chứng kiến sự lên ngôi và áp đảo hoàn toàn của các phương tiện truyền thông trên mạng xã hội. Đặc biệt khi mọi công việc đều được vận hành dưới hình thức online do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người ta càng thấy rõ hơn sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng toàn cầu nói chung, trong đó có người Việt. Khi đó, việc đầu tư vào các kênh truyền thông mới, hiệu quả nhanh này sẽ trở thành xu thế và yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp.
Quan trọng hơn, thói quen của người tiêu dùng ngày nay đưa ra quyết định dựa trên cách thương hiệu đối xử với họ, cách họ đối xử với môi trường và cộng đồng xung quanh. Càng ngày các doanh nghiệp càng khai thác được nhiều sức mạnh và cơ hội để phát triển mục đích của tổ chức gắn với lợi ích xã hội.
Hơn hết, sức mạnh mà truyền thông tạo ra, để có thể thay đổi thói quen của khán giả là mang tới “đặc quyền” cho khán giả – Nơi khán giả là trung tâm, khách hàng sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu tìm kiếm, lựa chọn trong thời gian ngắn nhất, và họ hoàn toàn tin tưởng khi các phương tiện truyền thông mang lại lựa chọn đúng đắn nhất.