Đăng ngày 11/11/2021

Tìm bản sắc văn hóa phương Đông trong những chương trình thực cảnh đậm màu sắc nghệ thuật

Vở diễn thực cảnh gây ấn tượng về mặt thị giác cho người xem bởi sự đầu tư quy mô về mặt sân khấu, nhưng lại “đắt” về ý tưởng. Điều đọng lại trong mỗi chương trình không chỉ ở những câu chuyện hay hiệu ứng nghệ thuật mà là giá trị văn hóa đặc sắc để kéo gần hơn với khán giả trong nước và quốc tế.

Sức hấp dẫn của các chương trình biểu diễn thực cảnh

Trong thời gian gần đây, khán giá Việt Nam đã biết nhiều tới sân khấu thực cảnh, là loại hình biểu diễn được thực hiện trên nền cảnh quan thực tế và thường là sân khấu ngoài trời. Trong mỗi chương trình đều hội tụ các yếu tố cảnh sắc thiên nhiên như sông hồ, biển cả, rừng núi… hài hòa với đời sống sinh hoạt của con người bản địa. 

Sân khấu thực cảnh mang lại một trải nghiệm chân thực nhất đến với khán giả thông qua những bối cảnh sân khấu thực tế từ cảnh quan thiên nhiên cộng với âm thanh ánh sáng hiện đại. Điểm thú vị nhất của loại hình này chính là sử dụng những hình ảnh, bối cảnh thực tế tạo cho người xem có được cảm giác như được sống trong chính những câu chuyện đang được kể trên sân khấu.

Vở diễn Ấn tượng Lệ Giang thu hút hàng triệu khách quốc tế tới Trung Quốc

Vở diễn Ấn tượng Lệ Giang thu hút hàng triệu khách quốc tế tới Trung Quốc

Để nói về các chương trình thực cảnh, có thể thấy cán cân nghiêng nhiều về các nước châu Á. Không ít du khách từng bị ngợp mắt với vở diễn “Ấn tượng Lệ Giang”  của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Màn trình diễn hoành tráng với sự tham gia của 500 vũ công và 200 ngựa giữa sân khấu đá dựng ngoài trời ở độ cao hơn 3000m so với mực nước biển, lấy phông nền trực tiếp chính là đỉnh núi tuyết Ngọc Long, tái hiện lại cuộc sống cũng như những nét lịch sử văn hóa độc đáo của người Lệ Giang khiến du khách sẽ thấy không khỏi trầm trồ.

Tại Việt Nam, trong những năm trở lại đây, khán giả Việt Nam cũng đã được thưởng thức những chương trình biểu diễn thực cảnh quy mô như Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An… Không chỉ được đầu tư công phu về mặt kỹ xảo, âm thanh, ánh sáng, các chương trình ghi dấu ấn bởi đã mang chất liệu đời sống vào chương trình. Như chương trình Tinh hoa Bắc Bộ, khán giả được chiêm ngưỡng những nét văn hóa tinh túy của miền Bắc bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Đó là một sân khấu dựa lưng vào ngọn núi Thầy, những người nông dân đời thường bước ra sân khấu đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc và sự thăng hoa.

Dấu ấn thương cảng xưa tại chương trình Ký ức Hội An

Dấu ấn thương cảng xưa tại chương trình Ký ức Hội An

Trong khi đó, Ký ức Hội An đã tái hiện thành công không gian thương cảng xưa – đặc trưng của phố Hội với những dãy nhà cổ, thuyền bè, sông nước. Các điển tích tình yêu, các câu chuyện thời cuộc được kể bởi nghệ thuật biểu diễn đỉnh cao của gần 500 diễn viên mang lại không khí nhộn nhịp của thương cảng thời hoàng kim.

Sức hấp dẫn của các chương trình thực cảnh được giới chuyên môn đánh giá khi đã vượt lên trên cả giá trị đơn thuần của một sản phẩm văn hóa, du lịch mà còn bởi các yếu tố lịch sử, văn hóa được thi vị hóa và thể hiện dưới lăng kính nghệ thuật một cách tinh tế. Đây chính là lý do dù có trở thành một trào lưu được phát triển trong những năm gần đây nhưng những chương trình biểu diễn thực cảnh luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng với khán giả. 

Thăng hoa nhờ bản sắc văn hóa phương Đông 

Nhìn lại chặng đường phát triển của nghệ thuật biểu diễn thực cảnh, điều đọng lại trong tâm trí khán giả chính là những giá trị văn hóa và nghệ thuật được thể hiện sinh động và hấp dẫn, khẳng định nét đẹp trường tồn với thời gian. Từ trên chất liệu truyền thống đan cài cùng cách thể hiện hiện đại đã khiến khán giả dành cho nhiều thiện cảm đặc biệt. 

Vì thế, các chuyên gia cho rằng mức độ thành công hay thăng hoa của các chương trình biểu diễn thực cảnh chính ở việc có biểu đạt thành công bản sắc văn hóa hay không. Điều này khiến hành trình đi tìm giá trị nghệ thuật gánh thêm một sứ mệnh kép, để chuyển tải những bản sắc đẹp đẽ ấy, bằng ngôn ngữ nghệ thuật ra thế giới.

Với các chương trình biểu diễn thực cảnh hiện nay, khán giả đã có thể thấy dấu ấn văn hóa trong từng chi tiết, câu chuyện. Từ những bộ váy nâu sòng của người nông dân, cảnh lều chõng đi thi, những màn biểu diễn múa rối nước truyền thống… trong “Tinh hoa Bắc Bộ”, tới màn biểu diễn áo dài hoành tráng suốt dọc con đường bên sông Hoài, hay tiếng thoi đưa lách cách thay từng nhịp kể của “Ký ức Hội An”…

Từ những hình ảnh tinh túy nhất, khán giả có thể thấy bóng dáng của quá khứ đan lồng với hiện tại, thấy văn hóa phương Đông hiện hữu sinh động, tự nhiên mà vẫn đầy chất thơ. Tất cả đọng lại là sự chân thực của cảm xúc khiến khán giả càng thêm trân trọng giá trị bền vững mà một tác phẩm nghệ thuật đích thực mang tới và truyền lại được cho đời sau. 

Khi đó, sứ mệnh của mỗi doanh nghiệp như ODE Group phải làm cho các giá trị cốt lõi đó được lan tỏa, để hành trình tìm về cội nguồn văn hóa phương Đông như một trải nghiệm tinh hoa ngàn đời đọng lại trong mỗi thước phim, mỗi chương trình thực cảnh ấn tượng.